Dư luận đang vô cùng bức xúc trước sự việc ông Trịnh Xuân Thanh mặc dù khả năng điều hành yếu kém, làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC lại được bổ nhiệm và cất nhắc liên tục, đồng thời được luân chuyển đến làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang trong khi ông này không đủ điều kiện luân chuyển. Bên cạnh đó, mặc dù là cán bộ nhà nước, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh lại sử dụng xe biển xanh để phục vụ cho những mục đích cá nhân. Chính những biểu hiện đó đã lật ra toàn bộ những khuất tất của tài năng lãnh đạo, điều hành của Trịnh Xuân Thanh trong một thời gian dài, và cũng khiến dư luận dậy sóng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến việc ưu ái cho ông Trịnh Xuân Thanh trong một thời gian dài như vậy.
Điều hành PVC làm ăn thua lỗ nhưng lại được điều chuyển và bổ nhiệm chức vụ cao hơn
Ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi, quê ở H.Đông Anh, TP.Hà Nội) từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và giữ nhiều chức vụ khác nhau tại Tổng công ty Sông Hồng. Năm 2007, ông Thanh được điều về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) – Tập đoàn dầu khí quốc gia VN, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC. Từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2011 nhưng PVC rơi vào thua lỗ liên tiếp các năm 2012 – 2013. Báo cáo của ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ – PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Ông Trịnh Xuân Thanh (nguồn: internet)
Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần lớn vốn điều lệ (3.428,68 tỉ đồng/4.000 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương 85,72%) đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, báo cáo của ban kiểm soát cho hay việc chỉ đạo và giám sát hoạt động của các đơn vị còn yếu, hiệu quả vốn đầu tư thấp. Đặc biệt từ cuối năm 2011, khi nền kinh tế khủng hoảng, các đơn vị bộc lộ toàn bộ các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.
Trong khi PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng và có nguy cơ mất vốn, thì ông Thanh bất ngờ rời ghế lãnh đạo doanh nghiệp và được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ – Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng vào tháng 9.2013. Cùng với sự “chuyển ngành” của ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC, cũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT Thái Bình, trước khi về làm Chánh văn phòng Bộ GTVT. Sau đó, mặc dù có nhiều sai phạm, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn: Vụ trưởng – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5.2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Trước những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, ngày 18/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần phải làm rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh cũng như cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhằm kịp thời công bố cho dư luận được rõ. Hiện Bộ Công an và các bộ ngành liên quan đã vào cuộc. Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có vấn đề “chạy chọt” hay “cất nhắc”. Tuy nhiên những kết luận trên cần thêm thời gian để cơ quan điều tra làm sáng tỏ. Điều khiến dư luận quan tâm là tại sao một người thiếu năng lực như ông Trịnh Xuân Thanh lại được luân chuyển giữ chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang? Và tại sao không truy cứu trách nhiệm đối với ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này làm PVC thua lỗ đến hàng ngàn tỷ đồng? Hiện ông Trịnh Xuân Thanh không xuất hiện tại cơ quan, phòng làm việc của ông này thường xuyên đóng cửa. Bí thư tỉnh Hậu Giang đã trần tình về việc vì sao ông Trịnh Xuân Thanh lại được điều động về làm phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, và ông nay cho biết cảm thấy rất đau lòng, xấu hổ với nhân dân Hậu Giang vì vụ việc của Trịnh Xuân Thanh.
Kết: Thiết nghĩ, những sai phạm trong quá khứ của Trịnh Xuân Thanh cần phải được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm, khoản lỗ mấy nghìn tỷ đồng của PVC không phải là mớ rau, con cá ngoài chợ, đó là tiền thuế của người dân, cần phải công khai, minh bạch. Bản thân ông Vũ Huy Hoàng mặc dù đã hạ cánh an toàn nhưng có sai phạm thì cũng cần phải làm rõ và xử lý, có thế mới giữ nghiêm được phép nước và niềm tin của nhân dân.
Trần Ái Quốc
Doanh nghiệp nhà nước mà làm ăn thua lỗ thì người đứng đầu cần phải chịu trách nhiệm cho hành động đó. Không thể không quy kết trách nhiệm cho những người này. Vì như thế mới cần có trách nhiệm nghiêm túc