Trường phái kinh tế học Keynes mới được ra đời trên cơ sở kế thừa những thành tựu tư tưởng của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883 -1946). J.M.Keynes được coi là nhà kinh tế vĩ đại nhất của thế kỷ XX, ông được coi là kiến trúc sư của chủ nghĩa tư bản nhà nước, là vị cứu tinh của nền kinh tế chủ nghĩa tư bản sau cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 1929 -1933. Ông được cho là người xây dựng cơ sở lý thuyết cho sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế và là người đầu tiên phân tích toàn diện các vấn đề của kinh tế học vĩ mô, sau hàng trăm năm chuyên chú của kinh tế học vào các vấn đề phân tích vi mô kể từ A.Smith. Di sản lý luận của J.M. Keynes không nhiều nhưng những cống hiến của ông đối với lịch sử tư tưởng kinh tế lại vô cùng to lớn và sâu sắc. Ông đã đi sâu phân tích các vấn đề hiện thực của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, có thể nói rằng Keynes chính là cha đẻ của học thuyết về bàn tay hữu hình của Nhà nước mà tầm quan trọng của nó vẫn con nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Công trình nổi tiếng nhất của Keynes chính là tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest and Money) công bố vào năm 1936. Tác phẩm này của Keynes được coi là một quả bom gây chấn động dư luận thời điểm đó, thậm chí có nhà nghiên cứu đã không tiếc lời khen ngợi rằng “cuốn sách này có tính chất cách mạng, không từ nào khác được dùng chính xác như vậy. Đó là một thứ kinh tế học rất lập dị, rất khác thường như cuốn “sự giàu có của các quốc gia” (The Weath of nation) và Bộ “Tư bản” (Capital)[1]. Mặc dù đây là những tư tưởng thiên tài, nhưng học thuyết của Keynes không được đánh giá cao tại Anh, tuy nhiên lại giúp cho nước Mỹ có được những sự phát triển vượt bậc khiến người đời kinh ngạc.
Kế thừa những tư tưởng thiên tài của Keynes, trường phái Keynes mới đã thành lập và phát triển với ba trào lưu chính. Trường phái này tác động đến chính sách của nhiều nước tư bản, phát triển rộng rãi ở nhiều nước, sắc thái khác nhau, đáng chú ý là ở Mỹ và Pháp. Trường phái Keynes mới quy tụ những nhà kinh tế có tên tuổi như Joseph Stiglitz, Oliver Blanchard, Stanley Fisher, George Akerlof, Assar Lindbeck, Robert Barro, G. Mankiw, v.v.. Xét về đóng góp học thuật, phái này không duy trì mối quan tâm về lý luận rộng lớn như bản thân Keynes và những người Hậu Keynes, mà tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề liên quan đến giả thuyết giá cả cứng nhắc của Keynes. Phái này đã dành nhiều công sức để xây dựng nền tảng vi mô cho các giả thuyết này. Bên cạnh việc chấp nhận nhiều khái niệm cơ bản của phái Tân cổ điển, phái Keynes mới có khuynh hướng hấp thụ giả thuyết kỳ vọng duy lý của các nhà Cổ điển mới.
- NỘI DUNG LÝ THUYẾT CƠ BẢN CỦA TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ HỌC KEYNES MỚI
1.1. Cơ sở ra đời và các đại biểu điển hình
Kinh tế học Keynes mới là một trường phái kinh tế học vĩ mô tìm cách thuyết minh mệnh đề trung tâm về giá cả và tiền công cứng nhắc trong ngắn hạn của kinh tế học Keynes bằng kinh tế học vi mô. Trường phái này hiện nay đưa ra ba lý luận chính, gồm: hợp đồng lao động dài hạn, tiền công hiệu suất, và chi phí thực đơn.
Trường phái kinh tế học Keynes mới gắn liền với các học giả như: N. Gregory Mankiw, Joseph E. Stiglitz, Olivier Blanchard, Stanley Fischer, v.v..
– Nicholas Gregory Mankiw (3/2/1958 -)
Ông được biết đến nhiều nhất trong giới học thuật về kinh tế của Keynes mới. Mankiw hiện là Giáo sư của Đai học Harvard, đang trong top 25 nhà kinh tế học xuất sắc nhất thế giới. Ông là tác giả của cuốn sách giáo khoa “Principles of Economics” bán chạy nhất của kinh tế. Một trong những lý do khiến ông nổi tiếng chính là các giáo trình kinh tế học do ông soạn rất dễ hiểu và luôn đảm bảo hiệu quả học tập cho sinh viên. Vì thế, giáo trình của ông không chỉ được dạy trong chương trình kinh tế cơ bản của các trường đại học mà còn tiếp tục được dạy trong trương trình đào tạo MBA và 1 số chương trình khác.
Mankiw là một người bảo thủ và là một cố vấn kinh tế cho một số chính trị gia đảng Cộng hòa. Từ năm 2003 đến năm 2005, Mankiw là chủ tịch của Hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống George W. Bush. Năm 2006, ông trở thành một cố vấn kinh tế cho Mitt Romney và tiếp tục trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2012 của Romney.
Tháng 11/2008, Mankiw đã viết trên tờ The New York Times bài: “2008-2009 trỗi dậy của Keynes” (2008 – 2009 Keynesian resurgence), có đoạn “Nếu bạn đang đi để chuyển sang chỉ có một nhà kinh tế để hiểu được những vấn đề phải đối mặt với nền kinh tế, có rất ít nghi ngờ rằng các nhà kinh tế sẽ là J.M.Keynes. Mặc dù Keynes đã mất hơn một nửa thế kỷ trước, chẩn đoán của ông về suy thoái và thất nghiệp vẫn là nền tảng của kinh tế vĩ mô hiện đại. Hiểu biết của ông đã đi một chặng đường dài hướng tới việc giải thích những thách thức hiện nay mà chúng tôi phải đối đầu”. Từ đó, Mankiw đã bày tỏ hoài nghi về một gói chi tiêu một ngàn tỷ USD trong khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Ông đã mạnh mẽ chỉ trích Phó Tổng thống Joseph Biden cho thấy đã có sự nhất trí của các nhà kinh tế hỗ trợ cho một gói kích thích kinh tế.
– Joseph Eugene Stiglitz (sinh ngày 09/2/1943 -)
Nhà kinh tế của Mỹ và một giáo sư tại Đại học Columbia. Nhận giải Nobel khoa học kinh tế (năm 2001). Là cựu phó chủ tịch cấp cao và chuyên gia kinh tế trưởng của WB, Cựu thành viên và chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (Tổng thống Mỹ).
Ông phê phán việc quản lý của toàn cầu hóa và là thành viên các nhà kinh tế “trào lưu thị trường tự do”), và một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới.
Năm 2000, Stiglitz thành lập Sáng kiến Đối thoại Chính sách (IPD), một chuyên gia cố vấn về phát triển quốc tế tại Đại học Columbia. Năm 2009, Chủ tịch của Ủy ban Liên hợp quốc về cải cách của tiền tệ và tài chính hệ thống quốc tế. Ông là chủ tịch Ủy ban quốc tế về đo lường hiệu suất kinh tế và tiến bộ xã hội, của Tổng thống Sarkozy của Pháp.
Từ năm 2011 – 2014, Stiglitz là chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Quốc tế (IEA). Stiglitz đã nhận được hơn 40 bằng danh dự, trong đó có Harvard, Oxford và Cambridge trường Đại học và được bảo trợ bởi một số chính phủ bao gồm Hàn Quốc, Colombia, Ecuador, và gần đây nhất của Pháp, nơi ông được bổ nhiệm làm thành viên của Legion of Honor, đặt hàng Officer.
Stiglitz là nhà 1 trong 5 nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới ngày hôm nay, và năm 2011 ông được tạp chí Time đánh giá là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Công việc của Stiglitz tập trung vào phân phối thu nhập, quản lý tài sản rủi ro, quản trị doanh nghiệp và thương mại quốc tế. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, mới nhất là: “Xã hội bất bình đẳng và những gì chúng tôi có thể làm gì về nó “(2015), “Nhìn lại các quy tắc của nền kinh tế Mỹ: Chương trình nghị cho tăng trưởng và thịnh vượng chung” (2015), và “Tạo cơ hội học: Cách tiếp cận mới để phát triển tăng trưởng và tiến bộ xã hội” (2014).
– Olivier Blanchard (27/2/1948)
Olivier Blanchard Jean là một thành viên cao cấp tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế. Ông là nhà kinh tế trưởng tại IMF (2008 – 2015). Ông dạy tại Đại học Harvard từ năm 1977-1983, sau thời gian đó, ông trở về MIT là một giáo sư. Từ năm 1998 – 2003 là Chủ tịch của Khoa kinh tế của MIT. Ông cũng là một cố vấn cho các ngân hàng dự trữ liên bang Boston và New York.
Blanchard đã xuất bản nhiều tài liệu nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, cũng như sách Kinh tế vĩ mô đại học và sau đại học, sách giáo khoa. Blanchard là một trong những nhà kinh tế được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Năm 1987, cùng với Nobuhiro Kiyotaki, Blanchard đã chứng minh tầm quan trọng của cạnh tranh độc quyền cho tổng số nhân theo yêu cầu. Hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô của Keynes mới bây giờ giả định cạnh tranh độc quyền theo lý thuyết của họ.
Năm 2010, sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều nước thâm hụt ngân sách. Ông ủng hộ chính sách khắc khổ như các nhà kinh tế khuyến khích các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để tránh trở thành một Hy Lạp. Tháng 6/2010 Blanchard và Carlo Cottarelli, là đồng tác giả một bài đăng blog IMF của IMF quyền “Mười điều răn cho điều chỉnh tài chính trong nền kinh tế phát triển”. Năm 2011, Blanchard cho rằng “Các chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt có thể nghĩa là tự chuốc lấy thất bại, làm tổn thương nền kinh tế quá nhiều mà họ xấu đi triển vọng tài chính”. Năm 2012, tất cả các nước đã phải chịu “thắt lưng buộc bụng đáng kể” . “IMF hiện tại tin rằng những thiệt hại mà cắt giảm chi tiêu gây ra làm cho nền kinh tế yếu kém”.
– Stanley Fischer (15/10/1943)
Fischer là một nhà kinh tế và phó chủ tịch của Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ, có hai quốc tịch Israel và Mỹ. Ông là thống đốc của Ngân hàng của Israel từ năm 2005-2013. Trước đó, ông từng là nhà kinh tế trưởng của WB. Với những cống hiến của mình, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử Fischer là Phó Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ thống đốc ngày 10/1/2014..
Fischer đã kết hợp ý tưởng của những kỳ vọng hợp lý Tân cổ điển của Robert Lucas để đề xuất chính sách tiền tệ tích cực giúp giảm nhẹ trong thời gian suy thoái kinh tế. Fischer là một nhân vật trung tâm trong kinh tế học Keynes mới. Thông qua phê phán của kinh tế vĩ mô Tân cổ điển, Fischer có đóng góp đáng kể vào làm rõ những hạn chế của các đề xuất chính sách không hiệu quả.
Ông là tác giả của 2 cuốn sách giáo khoa kinh tế phổ biến, kinh tế vĩ mô: Các bài giảng về Kinh tế vĩ mô (với Olivier Blanchard), Giới thiệu Kinh tế học cùng với David Begg và Rüdiger Dornbusch. Ông ủng hộ quan điểm của của Ben Bernanke, Mario Draghi và Greg Mankiw. Từ năm 2012, Fischer là Giáo sư thỉnh giảng môn Tư tưởng kinh tế tại Đại học Oxford.
1.2. Nội dung chủ yếu của kinh tế học Keynes mới
Kinh tế học Keynes mới không duy trì mối quan tâm về lý luận rộng lớn như Keynes và những người Hậu Keynes, mà tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề liên quan đến giả thuyết giá cả cứng nhắc của Keynes. Họ đã dành nhiều công sức để xây dựng nền tảng vi mô cho các giả thuyết này. Bên cạnh việc chấp nhận nhiều khái niệm cơ bản của phái Tân cổ điển, kinh tế học Keynes mới có khuynh hướng hấp thu giả thuyết kỳ vọng duy lý của các nhà Tân cổ điển.
Để giải quyết vấn đề giá cả cứng nhắc, Kinh tế học Keynes mới đã ứng dụng những thành tựu mới nhất trong kinh tế học vi mô như lý thuyết về thị trường không hoàn hảo, thông tin không hoàn hảo hoặc những đặc điểm thể chế trên thị trường lao động như ảnh hưởng của nghiệp đoàn.
Về mặt chính sách, dựa trên niềm tin về giá cả cứng nhắc, Kinh tế học Keynes mới ủng hộ chính sách tiền tệ nhiều hơn so với chính sách tài khóa.
– Lý luận về hợp đồng lao động dài hạn
Giả thuyết này cho rằng để giữ lao động làm việc cho mình lâu dài, giới chủ thường ký những hợp đồng làm việc dài hạn. Chính vì vậy mà tiền công theo hợp đồng không thể có sự điều chỉnh đột ngột.
Trong trường hợp có thay đổi hợp đồng, vì không thể tất cả các doanh nghiệp và các ngành trong nền kinh tế cùng thay đổi hợp đồng vào cùng một thời điểm, nên chỉ có một bộ phận lao động là được thay đổi tiền công. Xét bình quân toàn nền kinh tế, thì tiền công vẫn không đổi.
– Lý luận về tiền công hiệu suất
Để khuyến khích nhiệt tình lao động và giữ lao động lành nghề, ngay cả trong thời điểm thất nghiệp phát sinh, giới chủ vẫn có thể không cắt giảm tiền công. Khi mà tiền công không bị cắt giảm (cũng có nghĩa là giá cả lao động không hạ xuống), thì thất nghiệp (dư cung lao động) vẫn không được giải quyết, thị trường lao động vẫn mất cân bằng.
– Lý luận về chi phí thực đơn
Vì thị trường có tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo, nên dù thị trường có biến động thì xí nghiệp chưa chắc đã thay đổi giá bán của mình. Lý do là chi phí để điều chỉnh thông báo về giá bán (giống như chi phí in lại thực đơn) có thể cao hơn lợi ích mà xí nghiệp thu được do điều chỉnh giá.
1.3. Đánh giá về học thuyết trường phái Keynes mới
Học thuyết kinh tế của trường phái Keynes mới đã có những tác dụng tích cực nhất định đối với việc điều chỉnh chính sách kinh tế, là sự cứu cánh đối với sự phát triển kinh tế của các nước tư bản đương đại. Sự áp dụng học thuyết Keynes đã góp phần thúc đẩy kinh tế của các nước tư bản phát triển, hạn chế được khủng hoảng và thất nghiệp, nhất là trong những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, tốc độ phát triển kinh tế của nhiều nước rất cao (tạo nên những thần kì: Nhật, Tây Đức, Pháp, Thụy Sĩ,…). Vì vậy học thuyết này giữ vị trí thống trị trong hệ thống tư tưởng kinh tế tư sản trong một thời gian dài. Nhiều nhà kinh tế đã đánh giá về học thuyết của Keynes như một liều thuốc chữa cho chủ nghĩa tư bản Tây Âu khỏi ốm và nền kinh tế Mỹ lành mạnh. Học thuyết này là cơ sở chủ đạo của các chính sách kinh tế vĩ mô ở các nước tư bản phát triển từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thậm chí CHLB Đức dựa vào học thuyết Keynes ban hành đạo luật có tên “Luật về ổn định hóa nền kinh tế” (1968) tạo khung pháp lí cho chính phủ toàn quyền điều hành nền kinh tế nhằm đạt 4 mục đích: tăng trưởng, thất nghiệp thấp, chống lạm phát và cân bằng thanh toán. Tuy nhiên, mặc dù các trường phái sau Keynes trong đó có kinh tế học Keynes mới vẫn chưa khắc phục được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Mục đích chống khủng hoảng và thất nghiệp chưa làm được, mới chỉ tác dụng tạm thời. Thất nghiệp trong nền kinh tế tư bản vẫn duy trì ở mức cao. Khủng hoảng không trầm trọng như trước nhưng vẫn xảy ra thường xuyên, thời gian giữa các cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hơn. Ý đồ dùng lãi suất để điều chỉnh chu kỳ kinh tế tư bản chủ nghĩa không có hiệu quả, biểu hiện: Chính sách lạm phát có mức độ (có kiểm soát) làm cho lạm phát càng trầm trọng, tác hại lớn hơn cái lợi nó mang lại. Phương pháp luận thiếu khoa học, đã xuất phát từ tâm lý con người để giải thích nguyên nhân kinh tế. Chủ nghĩa tư bản lầm vào cuộc khủng hoàng mới với đặc trưng là lạm phát. Vì cơ bản chỉ tập trung vào các vấn đề mang tính chất ngắn hạn, ít chú trọng tới tầm quan trọng của khuyến khích đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn. Vì thế học thuyết Keynes và kinh tế học Keynes mới là bài thuốc chữa ngọn, chưa chữa được tận gốc rế căn bệnh của chủ nghĩa tư bản. Vấn đề là giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hoá cao và quan hệ sản xuất vẫn mang tính tư nhân.
- ẢNH HƯỞNG CỦA LÝ THUYẾT TRƯỜNG PHÁI KEYNES MỚI ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA TƯ SẢN PHÁT TRIỂN ĐƯƠNG ĐẠI
Học thuyết trường phái Keynes mới để lại những lý thuyết kinh tế có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt chính sách. Rất nhiều nghiên cứu của trường phái này được các ngân hàng và các chính phủ sử dụng để giúp kiểm soát chu kỳ kinh doanh, cũng như giải quyết các mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế. Hiện trong trường phái kinh tế học Keynes mới có ba trào lưu gồm: những người Keynes phái hữu, là những người ủng hộ độc quyền, chạy đua vũ trang, quân sự hóa nền kinh tế; những người Keynes tự do, là những người ủng hộ độc quyền nhưng chống chạy đua vũ trang. (Gọi là phái Keynes chính thống); những người Keynes mới phái tả, ủng hộ lợi ích của tư bản nhỏ và vừa, chống lại độc quyền. Trường phái này tác động đến chính sách của nhiều nước tư bản, phát triển rộng rãi ở nhiều nước, sắc thái khác nhau, đáng chú ý là ở Mỹ và Pháp.
Đối với kinh tế học Keynes mới ở Mỹ, họ coi học thuyết của Keynes là liều thuốc hiệu nghiệm và có bổ sung tăng. Từ đó đưa ra các giải pháp như tăng thu ngân sách, tăng thuế trong thời kì hưng thịnh, tăng nợ Nhà nước; Bên cạnh đó họ coi thu chi ngân sách là công cụ ổn định bên trong của nền kinh tế. Coi chi phí chiến tranh là phương tiện tốt nhất để ổn định thị trường, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Đối với kinh tế học Keynes mới ở Pháp, họ chia thành hai trào lưu đối nghịch nhau. Trong trào lưu thứ nhất, điển hình với tư tưởng muốn áp dụng nguyên vẹn học thuyết Keynes trong điều tiết nền kinh tế tư bản. Một số khác phê phán Keynes trong việc sử dụng lãi suất để điều tiết kinh tế và đề nghị thay bằng công cụ kế hoạch hóa. Họ phân biệt “kế hoạch hóa mệnh lệnh” với “kế hoạch hóa hướng dẫn” và nước Pháp dùng kế hoạch hóa hướng dẫn.
Đối với các nước tư bản đang phát triển, mặc dù chính sách kinh tế của mỗi nước khác nhau trong việc phân định vai trò của thị trường và nhà nước trong điều tiết kinh tế. Để giải quyết vấn đề giá cả cứng nhắc, phái Keynes mới đã ứng dụng những thành tựu mới nhất trong kinh tế học vi mô như lý thuyết về thị trường không hoàn hảo, thông tin không hoàn hảo hoặc những đặc điểm thể chế trên thị trường lao động như ảnh hưởng của nghiệp đoàn. Về mặt chính sách, dựa trên niềm tin về giá cả cứng nhắc, phái Keynes mới ủng hộ chính sách tiền tệ nhiều hơn so với chính sách tài khóa. Mặc dù còn tồn tại những giới hạn, những cống hiến của trường phái kinh tế học Keynes mới đã có những tác động vô cùng quan trọng trong việc hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ, lao động có hiệu quả nhằm khắc phục những thất bại của thị trường và đưa nền kinh tế tư bản phát triển ổn định, tránh được suy thoái, lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn. Qua nghiên cứu về nội dung lý thuyết kinh tế của trường phái Kinh tế học Keynes mới có thể khái quát một số ảnh hưởng chính sách như sau:
– Khi tìm cách thuyết minh mệnh đề trung tâm về giá cả và tiền công cứng nhắc trong ngắn hạn của Kinh tế học Keynes bằng kinh tế học vi mô, trường phái Keynes mới đã đưa ra những gợi ý chính sách tương đối chính xác dựa trên những con số toán học cụ thể. Đồng thời xu hướng ủng hộ chính sách tiền tệ thông qua các phạm trù giá cả, tiền công, có xu hướng ủng hộ chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ các quốc gia tư bản, gợi ý các nước này đưa ra các chính sách khắc phục khủng hoảng kinh tế, lạm phát và thất nghiệp. Chẳng hạn trong tháng 2 năm 2009, chính phủ Mỹ đã đưa ra kế hoạch giải cứu khối tài chính khổng lồ lên đến 2000 tỷ USD với tên gọi “Financial Stability plan”; ngày 11 tháng 2 năm 2009, thượng viện và hạ viện Mỹ đã chính thức đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế của tổng thống Obama trị giá 789 tỷ USD.
Hay 5/9/2009 Chính phủ Nauy công bố gói hỗ trợ trị giá 14,3 tỷ USD để mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngày 4/9/2009, ngân hàng trung ương Australia đã cắt giảm lãi suất chủ đạo từ mức 4,25%/năm xuống còn 3,25%/năm (đây là mức cắt giảm thấp nhất trong 45 năm qua). Đồng thời chính phủ Australia cũng công bố kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế trị giá 26 tỷ USD trong đó 18 tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, 8 tỷ USD dùng để hỗ trợ việc làm cho người dân, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tiền cho một số đối tượng thuộc tầng lớp thu nhập thấp.
Ngày 22/9/2009 chính phủ Đài loan công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 715 tỷ đô la Đài loan (tương đương 21,2 tỷ USD) trong 4 năm, với 320 tỷ đô la Đài loan dành cho năm 2009 để tạo ra 150.000 việc làm mới và giảm thất nghiệp xuống dưới 4,5%[2].
Đối với những nghiên cứu dựa trên nền tảng kinh tế vi mô của trường phái kinh tế học Keynes mới đã gợi ý những chính sách quan trọng trong việc áp dụng chính sách tiền tệ, lao động, việc làm nhằm vực dậy sự phát triển nền kinh tế tư bản sau cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 2008 và hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng kể từ sau sự cố vỡ nợ của Hy Lạp, Ai len và một số nước châu Âu. Chính sách lãi suất là một công cụ của chính sách tiền tệ, vì vậy, mục tiêu theo đuổi của chính sách lãi suất phải nằm trong mục tiêu của chính sách tiền tệ, quá trình hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời kỳ luôn phải đảm bảo mục tiêu bao trùm của chính sách tiền tệ là ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó có nghĩa, sự thay đổi cơ chế điều hành lãi suất không được gây ra những cú sốc thị trường, đảm bảo tính ổn định và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Đây là nguyên tắc cơ bản trong hoạch định chính sách lãi suất từng thời kỳ.
Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, vấn đề nâng lãi suất cũng đã bắt đầu được tính đến ở Anh và Mỹ, còn ở Nhật Bản, việc thôi dần chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ cũng được bàn tới. Tuy nhiên, dù ở nước Anh, Mỹ hay Nhật Bản – nền kinh tế còn có những điểm yếu, vẫn cần được dựa vào trụ đỡ là chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ. Trong hai ngày 17-18/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương) quyết định hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2014 xuống từ 2,1-2,3% so với 2,8-3% như dự báo đưa ra hồi tháng Tư. Bên cạnh đó FED đã quyết định cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần ba, tức chương trình mua trái phiếu dài hạn, thêm 10 tỷ USD, xuống còn 35 tỷ USD/tháng vào tháng 7 năm 2014[3]. Theo đó chính sách tiền tệ có 2 mục tiêu là tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả, FED thực hiện chính sách tiền tệ thông qua ảnh hưởng của nó đối với lãi suất ngắn hạn, qua đó tác động đến các lãi suất khác và giá cả. Nói chung, nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu đang là mối lo ngại chính, FED sẽ giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn để tạo nguồn vốn mới cho sản xuất và kinh doanh hàng hoá, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn cho việc mua nhà, ô tô, các hàng hóa và dịch vụ khác. Tương tự như vậy, nếu nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, FED có thể tăng lãi suất để làm giảm tổng cầu và hạn chế áp lực lạm phát. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, FED đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn một cách nhanh chóng, giảm xuống gần như bằng 0% vào cuối năm 2008 – thời điểm nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ nói chung và FED nói riêng phải đối mặt với một thách thức thực sự. Khi lãi suất ở mức 0%, tỷ lệ lãi suất ngắn hạn không thể cắt giảm hơn nữa; do đó, công cụ chính sách truyền thống để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế là không còn tác dụng nữa. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế và thị trường việc làm thật sự cần tới sự hỗ trợ nhiều hơn. Không chỉ là trường hợp của FED, ngân hàng trung ương các nước trên khắp thế giới cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Để giải quyết khó khăn sau khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008, FED đưa ra giải pháp bằng việc mua chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp vào cuối năm 2008, lãi suất của chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp kỳ hạn 30 năm ở mức trung bình trên 6%/năm, đến nay mức lãi suất này đã giảm xuống khoảng 3 – 3,5%/năm. Lãi suất thế chấp thấp hơn là một trong những lý do giải thích cho sự cải thiện trên thị trường nhà đất, mà qua đó sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Các lãi suất quan trọng khác như lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất đối với các khoản vay tự động (auto loans) cũng đã giảm. Bên cạnh đó, FED công bố chính sách duy trì lãi suất ngắn hạn đặc biệt thấp trong thời gian cụ thể. Bởi vì, đường cong lãi suất (trong dài hạn) là lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm gắn với kỳ vọng của thị trường đối với diễn biến lãi suất ngắn hạn trong vòng 5 năm. Chiến lược cơ bản của FED là tăng cường kinh tế thông qua việc giảm lãi suất và nới lỏng các điều kiện tài chính nói chung. Tuy nhiên, có sự khác biệt là với mức lãi suất ngắn hạn gần như bằng 0%, FED đã thực hiện một số công cụ nhằm giảm lãi suất dài hạn một cách trực tiếp hơn.
Bên cạnh đó, FED đã công bố mục tiêu giữ tỷ lệ lãi suất ngắn hạn đặc biệt thấp đến thời điểm ít nhất là giữa năm 2015. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế sẽ yếu đến giữa năm 2015, thay vào đó FED cam kết giữ ổn định giá và không tăng lãi suất sớm ít nhất là đến giữa năm 2015. Qua đó, FED sẽ khiến cho cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và thị trường tài chính tự tin hơn vào cam kết của FED để thúc đẩy kinh tế hồi phục một cách bền vững thông qua sự sẵn sàng đầu tư và sẵn sàng chi tiêu của các thành phần kinh tế nói trên. Mặc dù vậy, chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa được bách bệnh. Để phát huy hiệu quả tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp thực hiện bởi các chính sách khác, chẳng hạn như cải cách ngân sách liên bang một cách bền vững, cải cách thuế, cải thiện hệ thống giáo dục, hỗ trợ đổi mới công nghệ, và mở rộng thương mại quốc tế.
Tại khu vực châu Âu, ngân sách bớt căng thẳng kể từ năm 2014 đã khiến khu vực châu Âu bắt đầu nới lỏng dần tài khóa. Bên cạnh đó, các kế hoạch kích thích kinh tế đã được các nền kinh tế thuộc khu vực này bắt đầu thực hiện. Ngày 22/1/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá ít nhất 1,1 ngàn tỷ EUR (tương đương 1,3 ngàn tỷ USD) vào nền kinh tế Eurozone.Theo đó, ECB sẽ triển khai chương trình mua tài sản (bao gồm các chứng khoán của cả khu vực công và khu vực tư nhân) với giá trị lên tới 60 tỷ EUR mỗi tháng.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ – loại tài sản lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất ở Eurozone. Gói QE của châu Âu đã được bắt đầu triển khai từ ngày 9/3/2015 và sẽ kéo dài cho tới tháng 9/2016. Với chương trình này. ECB đã trở thành ngân hàng trung ương (NHTW) lớn thứ 4 trên thế giới áp dụng QE trong những năm gần đây sau FED của Mỹ, NNTW Anh (BOE ) và NHTW Nhật Bản (BOJ). Cùng với quyết định tung ra gói kích thích kinh tế, ECB đã giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,05% bắt đầu được áp dụng từ tháng 9/2014 và lãi suất tiền gửi ngân hàng qua đêm ở mức -0,2%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải trả phí để gửi tiền tại ECB.
Chính phủ Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics trong đó 2 trụ cột quan trọng là nới lỏng tài khóa và tiền tệ từ 2012 đến nay. Thủ tướng Shinzo Abe gần đây đã chính thức thông qua quyết định cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm thúc đẩy lợi nhuận của khối doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo kế hoạch cải cách này, chính phủ Nhật Bản sẽ giảm thuế doanh nghiệp xuống 32,1% kể từ tháng 4/2015 và tiếp tục xuống còn 31,3% trong năm 2016. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản giới hạn quy mô chi tiêu chung vào khoảng 98 nghìn tỷ yên trong năm tài khóa 2015 sau khi cắt giảm từ tổng ngân sách là 102,6 nghìn tỷ yên thông qua cắt giảm chi phí an sinh xã hội. Đối với chính sách tiền tệ, ngày 17/3/2015, BOJ Nhật Bản quyết định duy trì gói kích thích kỷ lục bất chấp rủi ro giảm phát. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng năm thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác.
– Với việc nghiên cứu lý thuyết về hợp đồng lao động dài hạn, tiền công hiệu suất, và chi phí thực đơn, trường phái kinh tế học Keynes mới cũng đã đưa ra những gợi ý quan trọng trong việc điều chỉnh các hợp đồng kinh tế, phân tích bản chất của sự tăng lên của tiền công và sự bóc lột của giới chủ, cũng như chỉ ra nguyên nhân của vấn đề thất nghiệp (dư cung về lao động) để các quốc gia tư bản phát triển có sự điều chỉnh hợp lý bằng chính sách.
Thông qua bài học về việc điều chỉnh chính sách dựa vào các phân tích vi mô về lãi suất và tiền tệ cũng như lý thuyết về việc làm, hợp đồng lao động dài hạn,…các lý thuyết của trường phái kinh tế học Keynes mới đã phần nào đưa ra những gợi ý chính sách cho các nước tư bản phát triển giải quyết những vấn nạn vốn là những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế tư bản. Tuy nhiên, do những giới hạn nghiên cứu và vấn đề nghiên cứu, những cống hiến của trường phái kinh tế học Keynes mới chỉ dừng lại ở một số vấn đề cơ bản dựa trên tìm cách thuyết minh mệnh đề trung tâm về giá cả và tiền công cứng nhắc trong ngắn hạn của kinh tế học Keynes bằng kinh tế học vi mô. Trường phái này chỉ dừng lại ở ba lý luận chính, gồm hợp đồng lao động dài hạn, tiền công hiệu suất, và chi phí thực đơn. Do đó những cống hiến của trường phái này chưa tạo ra được những đột phá về chính sách cũng như phát triển rực rỡ học thuyết của J.M.Keynes, tuy nhiên những gợi ý chính sách cho các quốc gia tư bản phát triển là không thể phủ nhận, đây là một đóng góp to lớn của trường phái kinh tế này được nhìn nhận cho đến ngày nay.
KẾT LUẬN
Lý thuyết kinh tế của trường phái kinh tế học Keynes mới với những đại biểu điển hình như N. Gregory Mankiw, Joseph E. Stiglitz, Olivier Blanchard, Stanley Fischer, v.v đã đưa ra những phân tích chính sách khá cụ thể dựa trên nền tảng kinh tế học vi mô. Những nghiên cứu của trường phái kinh tế này mặc dù chỉ dừng lại ở ba vấn đề cơ bản là hợp đồng lao động dài hạn, tiền công hiệu suất, và chi phí thực đơn. Tuy nhiên, những phân tích của các đại biểu điển hình và tổng hợp lý luận chung của trường phái này đã có những ảnh hưởng nhất định đối với việc hoạch định và điều chỉnh chính sách kinh tế của các quốc gia tư bản phát triển đương đại. Trong giai đoạn khắc phục hậu quả của cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008 và những tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại các quốc gia tư bản phát triển khiến bàn tay hữu hình của Nhà nước được cân nhắc, xem xét một cách cụ thể và chính điều này khiến học thuyết của J.M.Keynes còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Mặc dù không thể vượt qua được những tư tưởng kinh tế của J.M.Keynes, những đại biểu của trường phái Keynes mới cũng đã tạo ra một màu sắc riêng cho trường phái của mình bằng những nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, trường phái Keynes nói riêng và lý thuyết kinh tế học Keynes mới nói chung mới chỉ là liều thuốc chữa được phần ngọn trong việc khắc phục những căn bệnh kinh niên của chủ nghĩa tư bản. Để nền kinh tế tư bản vận động hoàn hảo vẫn cần đến việc kết hợp hài hòa cơ chế điều tiết hai bàn tay “vô hình” của thị trường và “hữu hình” của nhà nước, nhằm đem đến những điều chỉnh hoàn hảo nhất. Đó chính là chìa khóa để khắc phục được những thất bại như khủng hoảng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp,.. và kéo dài sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản trước những mâu thuẫn nội tại đang phát sinh ngày càng sâu sắc trong lòng nó.
Trần Ái Quốc
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lý thuyết kinh tế của J.M.Keynes. Nxb Thống kê năm 2002.
- PTS. Mai Ngọc Cường (chủ biên). Những vấn đề cơ bản của lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Thống kê,1993.
- TS Ngô Văn Lương (chủ biên). Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003.
- TS Ngô Văn Lương, TS Đồng Văn Phường (đồng chủ biên). Lịch sử các học thuyết kinh tế. Nxb Chính trị – Hành chính, H. 2012.
- Một số tạp chí kinh tế, tài liệu trên internet.
[1] TS Ngô Văn Lương, TS Đồng Văn Phường (đồng chủ biên). Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Chính trị – Hành chính, H.2012, tr.325
[2] Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Chính trị Hành chính Hà Nội 2012, TS Ngô Văn Lương, Đồng Văn Phường (chủ biên), tr.321,322.
[3] Thời báo kinh tế Việt Nam năm 2014
Để nền kinh tế tư bản vận động hoàn hảo vẫn cần đến việc kết hợp hài hòa cơ chế điều tiết hai bàn tay “vô hình” của thị trường và “hữu hình” của nhà nước, nhằm đem đến những điều chỉnh hoàn hảo nhất. Đó chính là chìa khóa để khắc phục được những thất bại như khủng hoảng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp,.. và kéo dài sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản trước những mâu thuẫn nội tại đang phát sinh ngày càng sâu sắc trong lòng nó.
Chính xác là như vậy! Thanks bạn đã đọc!
Fischer đã kết hợp ý tưởng của những kỳ vọng hợp lý Tân cổ điển của Robert Lucas để đề xuất chính sách tiền tệ tích cực giúp giảm nhẹ trong thời gian suy thoái kinh tế. Fischer là một nhân vật trung tâm trong kinh tế học Keynes mới