Tầm nhìn về biển đông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến tình hình anh ninh quốc gia biển đảo Việt Nam, có thể nói, trong mối quan tâm của Người, an ninh chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề quan trọng được đặt ngay sau nhiệm vụ giải phóng dân tộc trước năm 1975. Chính vì vậy, ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông đã ngay lập tức bắt tay nghiên cứu, chỉ đạo các hoạt động nhằm giành lại chủ quyền đối với các hòn đảo trên Biển Đông. Vào tháng 03/1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này của ông đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị và được coi là tư tưởng quan trọng trong chiến lược giải phóng toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Nhận thức được tầm quan trọng của giữ gìn chủ quyền biển đảo, ngay sau kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân ủy Trung ương đã điều đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển đảo, đồng thời chỉ đạo Cục Quân báo nắm tình hình quân ngụy ở Biển Đông, báo cáo thường xuyên và nghiên cứu kế hoạch giải phóng đồng thời cả đất liền và biển đảo, cùng lúc quét sạch bóng quân ngụy trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn “phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”.

 1m

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát Bộ đội Hải quân diễn tập năm 1964. Ảnh tư liệu

Tình hình cuối năm 1975, ở khu vực Trường Sa có Hạm đội 7 của Mỹ và nhiều nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị tàu lớn. Do đó, đòi hỏi khâu tiến công phải hết sức mưu trí, sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, tham gia tiếp quản căn cứ hải quân ngụy mà ta vừa giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng để giải phóng các đảo. Lệnh của Tổng tư lệnh rất rõ ràng: Khi thấy quân ngụy Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ quân ngụy khốn đốn mà đã chiếm đảo, thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng hành dinh.

Trước đó, ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương đã điện cho các đồng chí Chu Huy Mân và Võ Chí Công: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ tư lệnh B1 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo, thực hiện gấp rút nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Ngày 9/4/1975, quân báo thông báo quân ngụy bắt đầu rút khỏi Biển Đông, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn cho đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Võ Chí Công: “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi Trường Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm”.

Nhận được lệnh, các tàu hải quân và lực lượng thuộc Khu 5 đã giả danh tàu đánh cá, xuất phát ra Trường Sa. Lực lượng ta đã đánh bằng cách của mình, dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu, lần lượt giải phóng các đảo. Ngày 14/4/1975, chỉ sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đều được giải phóng. Ngày 28/4/1975, đảo An Bang được thu hồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.

Năm 1977, trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nói chuyện với các nhà khoa học, Đại tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.

 2n

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) trên một con tàu hải quân tháng 3/1973. Ảnh tư liệu

Về hướng khai thác kinh tế biển, Đại tướng chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”… “Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này. Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất”…
Năm 1985, trước khi có Đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra Chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể. Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này vẫn nóng hổi tính thời sự. Chiến lược này là minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển, đảo Tổ quốc…”

Trần Ái Quốc (Nguồn: Theo Quân đội nhân dân)

11 comments on “Tầm nhìn về biển đông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  1. . ” Vào tháng 03/1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. “. Câu nói này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mình vẫn biết, có nghe và cũng nghe người nói nhìn nhận về quan điểm của Đại tướng dưới góc nhìn của một quân nhân là một hành động sáng suốt và mang tính có tầm nhìn. Đại tướng không vội tổng tiến công sài gòn ngay mà bình tĩnh giải phóng 2 quần đảo trước.. Đại tướng cũng phân tích nguồn lợi của biển cũng rất khoa học rõ ràng. Khiến mọi người rất khâm phục.

  2. Nhà quấn sự toàn tài. Nằm trong Bộ Chính Trị giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nhưng ông không thua kém gì về điều hành quản lí kinh tế đất nước. Phát triển đất nước là phát triển kinh tế và tầm nhìn kinh tế đóng vai trò quan trọng. Nhất là trong thời kì ấy. việc phát triển hướng ra biển cũng như khi xưa mới phá lệnh cấm biển vậy có ý nghĩa vô cùng to lớn. Giả sử lúc đó ông không hạ lệnh ra giải phóng Trường sa trước thì sẽ thế nào? Thằng tàu khựa nó hét lên nó chiếm trước chứ sao.

  3. trong mối quan tâm của Đại tướng, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, an ninh chủ quyền biển đảo luôn là vấn đề quan trọng được đặt ngay sau nhiệm vụ giải phóng dân tộc trước năm 1975. Chính vì lẽ đó mà rất nhiều những chính sách, những đường lối do chính đại tướng đề ra nhằm kiểm soát tình hình biển Đông một cách tối đa nhất. Có thể thấy rằng đại tướng có một tầm nhìn rất rộng thông qua vấn đề này.

  4. Không chỉ đại tướng Võ Nguyên Giáp mà rất nhiều nhà lãnh đạo nước ta trước đây cũng đã nhận ra ý nghĩa chiến lược của biển Đông đối với đất nước ta. Nhưng do điều kiện cả kinh tế, phương tiện, kỹ thuật mà chúng ta chưa thể khai thác một cách có hiệu quả nguồn lợi to lớn đến từ biển đảo nước nhà. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể bỏ mặc cho Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ nước mình. Tất cả mọi người phải cùng đồng lòng nhất trí bảo vệ biển đảo que hương mình.

  5. Đại tướng Võ Nguyên GIáp , người học trò giỏi của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thật xứng đáng là một vị tướng huyền thoại không chỉ riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là của toàn thế giới nữa . Nhân loại đã không hết lời ca tụng ông sau những trận chiến. sự ra đi của Đại tướng quả thực là một mất mát lớn của nhân loại .

  6. Tự hào dân tộc Việt Nam có một vị anh hùng được cả thế giới công nhận. Sự tài tình và sắc bén trong những kế hoạch chỉ huy trận đánh của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần lớn đánh đuổi 2 đế quốc xâm lược Mỹ và Pháp. Đời đời ghi nhớ công ơn của đại tướng Võ Nguyên Giáp

  7. Không có tầm nhìn xa trông rộng. không có tí tuệ hơn người thì làm sao Bác Giáp lại được Bác Hồ phong Tướng sớm thế được, không có tài thì làm sao bác Giáp lại có thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu thế được. Thật tiếc khi 1 tượng đài tình thần của dân tộc nữa lại ra đi.

  8. với 1 vị tướng có tầm nhìn, có lòng kiên trì và sự dũng cảm thuộc hàng thượng thừa như Đại Tướng thì việc nhìn ra biển đông với tâm nhìn chiến lược hàng mấy chục năm như thế là điều dễ hiểu thôi, tiếc là thời đó hải quân Việt Nam đang yếu nếu không thì đâu có mất nhiều như vậy.

  9. Bác Giáp là 1 trong những vị tướng tài của VIệt Nam được cả thế giới công nhận, với tầm nhìn xa trông rộng của bác bác đã đưa đất nước ta qua nhiều chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Bác đã nhìn nhận ngay tầm quan trọng của 2 quần đảo trường sa và hoàng sa đối với VN cảnh về nguồn lợi lẫn vị trí địa lý của nó. Chúng ta những người con của Việt Nam sẽ nối tiếp truyền thống cha ông giữ vững từng mãnh đất của tổ quốc! quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ!

  10. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một vị chỉ huy tài ba, toàn tài, một học trò xuất sắc của Bác. Không chỉ giỏi về đánh trận trên đất liền mà cả trên biển Đại tướng luôn có những cái nhìn chiến lược cho thực tại và những suy nghĩ cho ngày sau. Biển Đông là khu vực có tiềm năng về quân sự và kinh tế rất lớn của nước ta. Ngày trước ông cha ta đã cố gắng gìn giữ cho thế hệ sau này vì thế ngày nay chúng ta phải tiếp bước giữ vững chủ quyền dân tộc!

  11. Biển Đông có vị trí chiến lược về vị trí địa lí cho quân sự và tiềm lực phát triển kinh tế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người có con mắt tinh tường, tầm nhìn chiến lược cho biển Đông. Quyết tâm gìn giữ biển Đông cho dân tộc VN, kể cả ngày nay cũng vậy, tiếp tục đấu tranh lại các thế lực thù địch giữ vững chủ quyền đất nước!

Bình luận về bài viết này