MỘT GÓC NHÌN MỚI QUA VIỆC VIẾNG ĐỀN CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN SHINZO ABE

Thế giới hiện đại đang chứng kiến những sự đổi thay đến khó tin mà theo đó, bàn cờ chính trị thế giới đang xuất hiện một số nhân tố đủ sức làm tạo nên một diện mạo đa chiều và hấp dẫn hơn. Nếu trước đây sau sự kiện phe phát xít thua trận và phải đầu hàng quân Đồng Minh, tiếp đó là việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ sau gần một  thế kỷ xây dựng và tồn tại, thế giới đã từng định hình Mỹ là một thế lực duy nhất trên thế giới; thế giới chỉ phát triển và xoay quanh trục ảnh hưởng do chính nước Mỹ tạo dựng và vận hành. Và sẽ khó có một quốc gia nào đủ sức lật đổ, hạ bệ vị thế của nước Mỹ bởi cùng với những thắng lợi mang tính bước ngoặt ấy, những người Mỹ đã nhanh chóng tạo dựng cho mình được những “vốn” ảnh hưởng nhất định. Những quốc gia, khu vực thuộc ảnh hưởng, bảo trợ của Mỹ cho thấy sức mạnh và địa vị của quốc gia này trong một trật tự thế giới mới. 
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Là một nước thua trận và chịu không ít “phí tổn chiến tranh”, nước Nhật lâm vào tình trạng kiệt quệ từ chính nước Mỹ, trở thành sân sau, nơi Mỹ đóng các căn cứ quân sự và thực thi những khoản đầu tư thu lợi cực lớn. Đặc biệt, dưới cái ô bảo trợ hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản đã không được phép và cũng không cần thành lập Bộ Quốc phòng như các nước trên thế giới. Họ đã được những người Mỹ làm thay nhiệm vụ này. Mặc dù đã được bảo trợ từ Mỹ song những nhà lãnh đạo Nhật qua các thời kỳ và người dân Nhật – một quốc gia được biết đến với tinh thần tự cường thời kỳ Nhật Hoàng Minh Trị đã cảm thấy đó là một sự xúc phạm, ảnh hưởng quá lớn đối với truyền thống và danh dự của người Nhật. Họ đã ý thức từ lâu về sự vươn lên, trỗi dậy để vừa là chính mình, vừa thoát khỏi sự lệ thuộc từ chính nước Mỹ. 

Song, điều mà những nhà lãnh đạo Nhật cũng ý thức rất rõ nét về sự ảnh hưởng, tầm bao quát của Mỹ đối với tất cả các mặt của đời sống kinh tế Nhật. Nó lâu bền tới nỗi chỉ cần một động thái từ Mỹ cũng có thể đe dọa đến sự bền vững kinh tế, chính trị từ quốc gia này. Để thực hiện mục tiêu của mình, người Nhật đã tính toán một cách cẩn thận và nghiêm túc, nhất là những thiệt hơn từ chính những ảnh hưởng nếu có những bất đồng, sâu sắc từ phía Mỹ. Chính vì vậy, thay vì làm một cuộc “Cách mạng” như nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi vẫn làm, Nhật Bản chọn cách làm từ từ và có lộ trình thích hợp. Họ không nón vội, từng giai đoạn một việc làm cụ thể. Điều này sẽ tránh được những phản ứng thái quá từ Mỹ và đồng thời đảm bảo Mỹ sẽ là một chỗ dựa để Nhật Bản có đủ sức mạnh để bảo vệ mình trước những sự lăm le, dòm ngó từ ông bạn láng giềng bẩn tính (TQ). 

Theo dõi những gì đã từng diễn ra trong một chuỗi thời gian dài, Nhật bản đang thực thi một lộ trình khiến thé giới, nhất là nước Mỹ không cảm thấy những sự thay đổi quá lớn cũng như những nguy cơ đe dọa chính sự ảnh hưởng và lệ thuộc của Nhật bản vào Mỹ. Nếu trước đây, người Nhật luôn định hình việc Mỹ chính là “người gìn giữ an ninh ở đây” thì cách đây 4 năm người Nhật đã thành lập một lực lượng phòng vệ cho riêng mình và gần đây nhất là việc thành lập Bộ Quốc phòng cho riêng mình. Tất nhiên, việc thành lập những cơ quan này được sự cho phép của Mỹ và nó còn liên quan đến những nguyên tắc mà người Nhật cam kết sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có thể xem đây là hành động khởi đầu cho những nố lực thoát khỏi sự ảnh hưởng từ chính nước Mỹ của Nhật và có vẻ như điều này được tiến hành thuận lợi, không tạo ra những luồng phản ứng ngược từ thế giới. 

Trên thực tế, quan hệ giữa Nhật bản và những quốc gia láng giềng có những bước thăng trầm nhất định, thậm chí có giai đoạn đã đi vào đối đầu, căng thẳng. Tất cả liên quan đến những chuyến viếng đền của những nhà lãnh đạo nước này bởi đền Yasukuni là biểu tượng cho một nước Nhật trong những năm tháng thế chiến thứ hai. Ở đó, họ là một thành phần quan trọng trong đội quân phát xít đe dọa nền hòa bình của nhân loại. Tuy nhiên, khách quan để nói thì đó cũng chính là giai đoạn nước Nhật là chính mình, là một quốc gia tự chủ, hùng cường; sức mạnh về kinh tế, quân sự của họ làm cho nhiều quốc gia khiếp đảm. Cho nên, nếu với những nạn nhân như TQ, Hàn Quốc thì sức mạnh đó đáng lên án và nguyền rủa thì trong một chừng mực đó là niềm tự hào của Nhật Bản. Nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của những cuộc viếng đến theo nghĩa này thì có thể thấy, việc viếng đền không đơn thuần chỉ gợi lên những quá khứ xấu mà chính là một hành động biểu thị Nhật Bản đang muốn tìm lại chính mình: hùng cường và đầy sức mạnh; chứ không như những động thái mà phía TQ từng rêu rao và lên án. Những hành động như: “Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kỉ niệm 1 năm quay trở lại nhiệm sở vào ngày 26/12 bằng cách tới thăm đền Yasukuni. Trong suốt 1 năm đó, ông Abe đã có nhiều động thái thể hiện ông muốn cải chính “lời xin lỗi chân thành” và “hối hận sâu sắc” đối với cuộc “xâm lược” của Nhật Bản” mà cựu Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đưa ra năm 1995.”

Những động thái nói trên không nằm trong mục đích phủ nhận những tội ác của người Nhật trong chiến tranh. Xa hơn, nó gián tiếp khẳng định khát vọng “xem xét lại thời chiến và công khai thể hiện mong muốn sửa đổi Điều 9 trong bản Hiến pháp Hoà bình (quy định người Nhật không dùng gây chiến để bảo vệ lãnh thổ và giải quyết tranh chấp quốc tế) cho thấy sự khao khát được thoát khỏi vòng tay của Mỹ” nhằm thoát khỏi những sự lệ thuộc mang tính  truyền thống, lâu đời. 
Cho dù những hành động vừa qua bắt đầu gặp phải sự phản đối của Mỹ thì việc Nhật Bản làm hôm nay không chỉ phù hợp với nguyện vọng của người dân Nhật; nó còn cho thấy, vị thế nước Mỹ tại những khu vực truyền thống đang có nguy cơ bị sụt giảm. Một trật tự thế giới đa cực sẽ càng rõ nét hơn sau sự trỗi dậy của Nga, TQ, Nhật, Ấn Độ…

An Chiến

Bình luận về bài viết này