Album ảnh

Văn hóa từ chức hiểu thế nào cho đúng?

 “Văn hóa từ chức” là một thứ văn hóa cao cấp, một thứ văn hóa của lương tri và cũng khác biệt so với những luồng văn hóa khác trong sự phát sinh, hình thành và phát triển. Văn hóa từ chức không phải là văn hóa chính trị hoàn toàn nguyên nghĩa nhưng cũng không tách rời văn hóa chính trị vì từ chức chỉ xuất phát từ những người có chức có quyền trong xã hội, và những người được quan tâm đến văn hóa từ chức chủ yếu là những người hoạt động chính trị, có tầm ảnh hưởng và quan trọng đặc biệt. Vậy cho nên có thể nói văn hóa từ chức chính là văn hóa “lương tri”, thứ văn hóa tự tâm, thể hiện lòng tự trọng của con người có chức quyền, tước vị trong xã hội.

Cụ Chu Văn An dâng sớ đòi chém đầu 7 tên nịnh thần, không được vua chấp thuận ông đã cáo quan về quê

Văn hóa từ chức ở các nước phương Tây đã xuất hiện từ lâu, sở dĩ ở phương Tây phát triển văn hóa từ chức trước bởi khi những nhà hoạt động chính trị ở phương  Tây trước khi là nhà hoạt động chính trị đã rất viên mãn trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, do vậy khi tham gia vào chính trường, mục tiêu quan tâm của họ là chính trị chứ không phải là làm chính trị để có kinh tế.

Còn các nước phương Đông, hiện nay văn hóa từ chức cũng khá phát triển, điển hình một số nước như Thái Lan, Malaixia, Hàn Quốc,.. cũng bởi tiềm lực kinh tế của họ mạnh mẽ, và họ hoạt động chính trị như là niềm đam mê.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày phát triển về văn hóa với hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình phát triển, sự ảnh hưởng, du nhập của văn hóa phương Đông đặc biệt là ảnh hưởng của Nho Giáo, Đạo Giáo, của các loại tôn giáo như Phật Giáo do vậy nền văn hóa Việt Nam được hình thành từ lâu đời và rất phong phú đa dạng. Trong nền văn hóa Việt, vấn đề rèn luyện văn hóa cá nhân, đặc biệt trong thời kỳ phong kiến vấn đề học vấn cực kỳ được đề cao. Đối với những thanh niên thời đó, yêu nước là phải thể hiện được tài năng của mình và họ gói gọn trong việc đề cao đạo đức con người phải hội tụ đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đối với nam giới, việc học hành thi cử để đạt được một chức danh nào đó trong xã hội là một việc được coi như cả đời, do vậy họ rất cố gắng và khi đã giành được cái ghế quyền lực thì họ đương nhiên được ngồi ở đó cả đời để hưởng vinh hóa, phú quý và quyền truyền lại cho con cái về sau. Do vậy, từ thời kỳ phong kiến, cái ghế quyền lực đã rất được coi trọng, và văn hóa từ chức, thứ văn hóa được coi là xa xỉ trong xã hội. Việc từ chức chỉ xuất hiện khi họ bị cách chức, còn lại rất ít, thậm chí là hiếm có người có chức có quyền nào tự nguyện từ bỏ địa vị của mình kể cả năng lực có giới hạn, thậm chí là không có năng lực nhưng nhờ thế tập vẫn có được cái ghế quyền lực để nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân.

Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến đã chứng kiến nhiều vị quan thanh liêm khi cảm thấy chốn quan trường không còn phù hợp với mình đã từ quan về quê ở ẩn. Những tấm gương tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trường Tộ…đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam về sự đức độ và lòng tự trọng, sự khiêm nhường đến nức lòng nhân loại. Tuy nhiên, các bậc anh tài trên chỉ là những hình mẫu hiếm hoi trong xã hội phong kiến, còn lại các quan lại thời kỳ phong kiến đều theo quyền thế tập, do vậy rất khó để khái quát được cái chung trong văn hóa từ chức ở thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam là Bảo Đại từ chức vào ngày  sau khi Chính quyền cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã giành được chính quyền. Hình ảnh Bảo Đại từ chức chỉ mang tính chất hình thức, vì từ lâu dưới sự cai trị của chính quyền thực dân xâm lược, Bảo Đại từ chỗ thực quyền đã biến thành một ông vua bù nhìn, đến ngay cả tiền tiêu vặt của vua và hoàng gia cũng phải ngửa tay xin sự bố thí của thực dân Pháp. Do vậy, việc Bảo Đại trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng và trở thành người công dân tự do của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, người công dân Vĩnh Thụy không phải là từ chức. Bởi từ chức phải xuất phát từ sự tự nguyện của người có chức quyền, còn trong trường hợp của Bảo Đại thì đây là việc làm mang tính chất tự nguyện trên thế không thể thoái lui, bởi thực tế chính quyền đã vào tay cách mạng. Trước sau gì Bảo Đại cũng phải thoái vị để trao lại chính quyền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như vậy, tạo cơ hội cho Bảo Đại xin thoái vị cũng chính là để giữ gìn thanh danh cho vị đại diện của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Cựu hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào những dẫn chứng trên để nói rằng ở Việt Nam đã hình thành văn hóa từ chức thì chưa chính xác. Bởi trong xã hội hiện đại, chức tước gắn bó chặt chẽ với quyền lực, địa vị xã hội và bổng lộc nên để có được chiếc ghế của quyền lực, người ta phải mất rất nhiều công sức, bằng  nhiều con đường, cho nên nếu không bị bắt buộc phải từ chức thì họ không dễ bỏ qua cái ghế của mình cho kẻ khác. Văn hóa từ chức hiện nay ở Việt Nam là một vấn đề không mới nhưng cũng khá nóng bỏng, đặc biệt là sau những khuất tất của các nhà lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như EVN, Vinalines,..dư luận dấy lên những đòi hỏi về một “văn hóa từ chức” như một sự tôn trọng chính bản thân người không xứng đáng có cái ghế quyền lực cũng như đảm bảo sử dụng đúng nhân tài, không làm lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa từ chức mặc dù không được nhắc đến trực tiếp nhưng luôn được đề cao thể hiện qua những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và phương thức lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Đối với Hồ Chí Minh, việc ghánh vác trọng trách của đất nước với vai trò là chủ tịch nước là một việc làm mà quốc dân đồng bào đặt lên vai Người, đối với một tài năng xuất chúng và một nhân cách cao đẹp như Hồ Chí Minh việc trúng cử làm chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quá xứng đáng. Tuy nhiên, Người rất khiêm tốn, Người từng nói chừng nào đồng bào không tin tưởng nữa thì tôi xin trả lại … Trong nhân cách Hồ Chí Minh đã thể hiện văn hóa từ chức rất cao đẹp. Người từng nói đến những từ như “quan cách mạng” để nhắc nhở cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ phải tự khiêm tốn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người luôn đề cao đến việc rèn luyện đạo đức cá nhân. Người nói “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức và phải luôn rèn dũa nó như giữ gìn con ngươi trong mắt mình”. Người luôn nêu lên những tư tưởng dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ, thể hiện ở những tư tưởng như “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người coi công – nông là nền tảng của quyền lực chính trị và người lãnh đạo cách mạng chỉ là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lực chính trị. Hồ Chí Minh chưa nêu ra khái niệm về từ chức hay văn hóa từ chức, tuy nhiên, tư tưởng đạo đức cách mạng của Người đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về nhân cách cách mạng, là cốt cách đòi hỏi những cán bộ cách mạng phải có đạo đức, và phải hoàn thiện cả đức và tài. Người nói “có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Do đó cán bộ cách mạng phải lấy đạo đức làm đầu, khi không giữ được đạo đức trong sáng nữa thì không thể phục vụ được nhân dân và chắc chắn những người đó sẽ bị xã hội đào thải, hoặc bị đào thải hoặc thể hiện lương tri của mình bằng cách tự xin từ chức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Nhân cách cao đẹp của Người mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Chúng ta còn nhớ trong cải cách ruộng đất 1955-1957, tư tưởng về cải cách ruộng đất của Đảng ta rất tiến bộ nhằm thực hiện mục tiêu “người cày có ruộng”. Nhưng trong cách thực hiện, vì cán bộ chủ quan, nóng vội, ở các cấp địa phương trình độ cán bộ quá hạn chế, dẫn đến phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, trong đó có vấn đề đấu tố ngay cả những cán bộ yêu nước, những người đã từng có công với cách mạng, gây nên một cảnh tang tóc khi con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng. Những hậu quả nghiêm trọng đó đã làm giảm lòng tin vào Đảng, và Hồ Chí Minh đã ngay lập tức cách chức đồng chí Trường Chinh, khóc và xin lỗi trước quốc dân đồng bào, ngay lập tức tiến hành các biện pháp sửa sai. Điều đó càng thể hiện ở sự nghiêm khắc trong công việc và đức tính cao đẹp của Hồ Chí Minh trong thực thi quyền lực chính trị. Tư tưởng cao đẹp của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở những điều ghi trong Bản di chúc năm 1969 của Bác. Cả cuộc đời Bác đã cống hiến tất cả cho hai cuộc trường chinh của dân tộc, Bác là người đã khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đã mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng tài sản cả cuộc đời của Người chỉ có những tư tưởng và lòng thương mến của toàn nhân loại. Trong bản di chúc, Người viết “Tôi ..chỉ muốn có một ngôi nhà sàn nho nhỏ ở nơi non xanh, nước biếc, suốt ngày làm bạn với cụ già, em nhỏ chăn trâu, không mang gì đến vòng danh lợi”. Và cuối cùng khi mất, Người đã để lại cho toàn thể đồng bào tình thương yêu vô hạn nhất. Những đức tính cao đẹp của Hồ Chí Minh được cả dân tộc Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ. Người đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi của thế kỷ XX, trở thành một danh nhân văn hóa của thế giới được Unessco công nhận.

Trần Ái Quốc

2 comments on “Văn hóa từ chức hiểu thế nào cho đúng?

  1. Từ chức đó chính là khi nhận thấy mình không thể làm được không thể đảm nhận được công việc đó nên từ chức để cho người khác có đủ năng lực phẩm chất thay thế. Nhưng hiện nay có một số người từ chức khi nhận thấy mình không thể nào giữ nổi ghế của mình khi thấy mình có những sai trái nên muốn từ chức để chốn tránh trách nhiệm. Thật sự thì những hành động này là không thể nào chấp nhận được cần phải xử lí cho nghiêm minh.

  2. Người ta từ chức khi thấy mình không có đủ năng lực không có thể đảm nhận được công việc đã giao còn ở đây thì có một số người đã lợi dụng cái này như là một cái phao cứu cánh cho mình khi đã làm ra những hành vi sai trái. Thật sự vấn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận nó một cách đúng đắn nhất không thể nào cứ để cho nó tiếp tục diễn ra như thế này nữa sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.

Bình luận về bài viết này