Album ảnh

Nhất quán chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa vì lợi ích quốc gia, dân tộc

140

Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nội dung về đối ngoại của văn kiện này khẳng định việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.

Có thể thấy đường lối đối ngoại của Đảng được thông qua tại Đại hội XI là sự kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại qua các thời kỳ, nhất là của 25 năm Đổi mới. Phát huy truyền thống dân tộc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao trong tình hình mới, Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã đề ra đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hóa giải thế bị bao vây cô lập. Việc thực hiện nhất quán và không ngừng mở rộng, hoàn chỉnh nội hàm của đường lối sáng suốt ấy, đã góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất có thể để đất nước đạt được kỳ tích phát triển trong thời kỳ Đổi mới. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau hàng chục năm chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình và đang hội nhập quốc tế sâu rộng với vị thế ngày một được nâng cao.

Bài học thành công này là cơ sở để khẳng định, trong một thế giới ngày càng gắn kết với nhiều cơ hội rộng mở song cũng ẩn chứa những biến động khó lường, đất nước chỉ có thể tiếp tục vững vàng đi tới nếu kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, huy động tổng lực nội lực đi đôi với việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế và thực thi một chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt, không để bị lợi dụng, bị lôi kéo đi với nước này để chống nước kia, hoặc rơi vào thế cô lập. Lịch sử và thực tiễn luôn nhắc nhở rằng, mỗi quốc gia đều có lợi ích và tính toán riêng, việc các nước lớn thỏa hiệp trên lưng nước nhỏ chẳng phải là câu chuyện lạ lẫm. Để không rơi vào tình thế này, khó có kế sách nào hơn việc phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kiên định, nhất quán theo đuổi đường lối độc lập tự chủ và chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.

Đại hội XI đã nêu rõ định hướng nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước và có quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Trong các mối quan hệ song phương này, Việt Nam tiếp tục ưu tiên tạo dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, các nước khu vực.

Việt Nam sẽ chủ động thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển trên cơ sở hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Trong khi triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam cũng luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống, các nước khác ở châu Á, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Từ “muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI bổ sung thêm “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu (ngoại giao đa phương), góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương.

Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhưng chúng ta luôn nhận thức rõ rằng, các quốc gia tuy chia sẻ một số lợi ích chung song luôn có những lợi ích riêng, đôi khi trái chiều nhau, nên trong quan hệ quốc tế luôn diễn ra quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh. Thành công sẽ đến khi chúng ta chủ động, tích cực phát huy các điểm tương đồng, có giải pháp phù hợp khắc phục những bất đồng nhằm thúc đẩy hợp tác để vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác và lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã, đang và sẽ còn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước. Song, nội hàm của mỗi mối quan hệ đối tác chiến lược này không hoàn toàn giống nhau. Có mối quan hệ hợp tác toàn diện, có mối quan hệ đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế, giáo dục…

Đường lối độc lập, tự chủ và chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế là sợi chỉ xuyên suốt tạo nên những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua. Với sự kế thừa và phát triển của Đại hội XI, việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại này là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

—Trần Ái Quốc —

12 comments on “Nhất quán chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa vì lợi ích quốc gia, dân tộc

  1. tất cả các chính sách của nước cộng hòa xã hôi chủ nghĩa việt nam, dù là chính sách đối nội hay đối ngoại thì xét cho cùng cũng đều là những chính sách phục vụ cho lợi ích của quốc gia dân tộc, đó là diều hoàn toàn đúng đắn, bởi bất kỳ điều gì cũng phải đặt lơi ích quốc gia lên trên nhất

    • Đúng rồi, dân tộc mình là dân tocoj yêu chuộng hòa bình, mình bình thường quan hệ ngoại giao với các dân tộc trên thế giới, không theo 1 nước nào để chống lại nước thứ 3 cả, thế mới là Việt Nam

  2. muốn đất nước có thể phát triển thì phải hôi nhập, đặc biệt là phải mở rộng mối quan hệ với nhiều nước trên thế giới, vẫn biết là những mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn thế giới là vô cùng phức tạp, tuy nhiên nếu xét trên tiêu chí lấy lợi ích quốc gia lên trên hết thì đều có thể giải quyết được

  3. lợi ích quốc gia là trên hết , đó là điều chắc chắn ,mối chính sách của đất nước ta trong từng thời kỳ phải phu hợp với hoàn cảnh cụ thể, làm sao cho có thể giúp cho đất nước có lợi nhiều nhất, đó là nhiệm vụ của những người có chức năng, cũng như của toàn thể nhân dân, đó không phải là một điều đơn giản

  4. Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa như hiện nay thì việc đa phương hóa, đa dạng hóa là điều tất yếu và rất cần thiết. Muốn đất nước phát triển muốn đất nước theo kịp với xu thế hội nhập hợp tác cùng phát triển trên thế giới cần đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ với các nước. Lợi ích quốc gia dân tộc phải đặt lên hàng đầu không thể để bất cứ lý do nào vì bất cứ điều gì mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia dân tộc.

  5. Đất nước ta đang trên đà phát triển.Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tiếp đề ra và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” nhằm mục tiêu “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

  6. .Nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại trong thời gian tới của việt nam là tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.chúng ta cần có những biện pháp nhất quán hơn nữa để xây dựng đất nước.

  7. Đất nước mình đã trải qua quá quá nhiều cuộc chiến tranh, đã có quá nhiều những mất mát đau thương rồi, bây giờ là lúc để chúng ta trỗi dậy trong hòa bình, Đảng và nhà nước nên dẫn dắt nhân dân tới cuộc sống tốt đẹp hơn thay cho dẫn nhân dân tới chiến tranh. Thế nên tăng cường hợp tác quốc tế là tự cứu lấy mình đấy,

  8. Trong thời đại hội nhập toàn cầu như thế này, thì cơ hội cũng nhiều mà rủi ro cũng nhiều, đặc biệt là đất nước ta lại nằm cạnh Trung Quốc với tư tưởng đại Hán nữa, thế nên tăng cường quan hệ ngoại giao với quốc tế là chúng ta đang tự cứu lấy mình đấy.

    • Thằng Trung Quốc lúc nào cũng rình rập để cướp biển cướp đảo, cướp đất của mình, thằng Hoa Kỳ thì lúc nào cũng rình rập để thay đổi chế độ, chống phá nhá nhà nước ta, thế nên ta phải chơi với những thằng cùng cảnh ngộ để khi nào có 1 thằng chơi ta thì ta kêu họ giúp, chứ ở 1 mình thì khó sống lắm.

  9. Dân tộc mình anh hùng, thằng nào gây hấn với mình là mình đánh, nhưng mà vấn đề là mình không được gây hấn với thằng nào cả, như thế mới phải lẽ, mình chỉ tự vệ thì bạn bè thế giới mới cảm thông và ủng hộ mình chứ. mình rất ghét những thằng nào cứ mở mồm ra là đòi đánh nhau.

    • chính bạn mới là người vừa mở miệng đã nói đến đánh nhau ấy, thời đại bây giờ là thời đại nào rồi, thời đại bây giờ là thời đại của sự hợp tác và phát triển, mình mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế cũng là xu hướng chung của nhân loại thôi bạn ạ.

Bình luận về bài viết này